Bối cảnh Trận_Khâm_Đức

Ngay từ đầu những năm 1960, được sự tư vấn của cố vấn Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm quyết định xây dựng Khâm Đức thành cứ điểm quan trọng trong việc cơ động ứng cứu cho nhau giữa các cứ điểm đóng quân ở vùng tây Quảng Nam và Hạ Lào. Đồng thời, ý tưởng đó không nằm ngoài mục tiêu ngăn chặn hành lang đi lại của Quân Giải phóng từ trên núi xuống đồng bằng.

Tại khu vực cách trụ sở UBND huyện Phước Sơn không xa, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã thiết lập một đại bản doanh của trường biệt kích toàn miền Nam do Mỹ trực tiếp huấn luyện. Đặc biệt nhất là sân bay Khâm Đức, căn cứ Ngok Ta Vak (xã Phước Mỹ) - căn cứ này nằm giữa Chavane (Lào) và thung lũng Khâm Đức, là nơi chuyển quân và hàng hóa vào Vùng 2 chiến thuật và Tây Nguyên của Mỹ và VNCH. Khâm Đức được xây dựng thành 3 phân khu chính: trên đỉnh là khu trung tâm gồm có nhà bộ chỉ huy và trận địa pháo được bao bọc bởi hệ thống hàng rào thép gai, phía đông nam là khu cư trú của lực lượng liên quân, phía tây cứ điểm là khu sân bay trực thăng dã chiến. Sân bay Khâm Đức được đầu tư xây dựng với tổng số tiền 30 triệu đồng, khởi công vào tháng 8 năm 1961 đến tháng 12 năm 1963 thì hoàn tất. Song song với việc thi công sân bay Khâm Đức, cuối năm 1962, phía VNCH tăng quân chủ lực lên 3 trung đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn đặc nhiệm, 18 tiểu đoàn Bảo an, 75 tổng đoàn nghĩa quân, 12 đại đội dân vệ để triển khai đóng giữ các cụm cứ điểm chiến lược quan trọng từ tây bắc Hòa Vang - Hà Tân - Thượng Đức - Hiệp Đức - Khâm Đức - An Lâu - Trà My... tạo thành tuyến phòng thủ suốt dọc theo ranh núi từ tây bắc Hòa Vang đến tây nam Tam Kỳ, nhằm chặn Việt Cộng từ căn cứ miền núi hoạt động xuống đồng bằng.

Từ sau khi Diệm bị sát hại, Mỹ và VNCH không ngừng tăng cường xây dựng, củng cố căn cứ quân sự và sân bay Khâm Đức, xem đây là một trong những cứ điểm "bất khả xâm phạm" ở miền tây Quảng Nam. Tuy nhiên, đối với Quân Giải phóng, cứ điểm Khâm Đức không thể không bị tiêu diệt, nếu họ muốn tấn công địch tại Tây Nguyên và vùng Hạ Lào. Theo ông Hồ Văn Điều, nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn thì "Trong năm 1968, ta chủ trương giải phóng Khâm Đức nhằm giành thế chủ động cho tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua Phước Sơn và kết nối với các căn cứ cách mạng khác từ đồng bằng lên Tây Nguyên."[9]

Với vị trí chiến lược quan trọng, sau một thời gian trinh sát, nắm bắt quy luật hoạt động của địch, Tư lệnh Quân khu 5 đồng ý cho Sư đoàn 2 quyết định tổ chức một khu chiếm mới tại Núi Ngang, do Trung đoàn 31 nổ súng tiến công trước khi khai hỏa trận đánh Khâm Đức từ 7 - 10 ngày, với mục đích tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ; thu hút, căn kéo và giam chân Sư đoàn lính thủy đánh bộ American của Mỹ, không cho chi viện lên chiến trường Khâm Đức và nếu có thì cũng không đáng kể.

Trước sức tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân vào Tết Mậu Thân 1968. Mỹ - VNCH nhận thấy nguy cơ cứ điểm Khâm Đức sẽ bị tiêu diệt. Vì vậy, giữa tháng 2.1968, liên quân Mỹ-VNCH tập trung quân, khí tài vật lực để xây dựng một cứ điểm tiền tiêu bảo vệ Khâm Đức từ xa và ngăn chặn hoạt động của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từ hướng Tây Nguyên sang. Với tầm quan trọng của chiến dịch hè năm 1968, mà Khâm Đức là mắc xích quan trọng để khai thông hành lang chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, tạo thời cơ để Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân địa phương đẩy mạnh kế hoạch X2 trên toàn chiến trường khu 5 giành thắng lợi.[10]

Để giành thế chủ động trên chiến trường, Đảng ủy Sư đoàn mở Hội nghị quyết định tiến công Khâm Đức theo hai bước[11]:

  • Bước một: Trung đoàn 1, phối hợp với quân giải phóng huyện và du kích các xã vùng cao tiêu diệt gọn cứ điểm Ngok-Ta-Vak và chặn đánh quân chi viện của Mỹ từ Khâm Đức lên.
  • Bước hai: Trung đoàn 21, phối hợp với Bộ đội đặc công của Sư đoàn và quân giải phóng huyện tổ chức đánh bóc vỏ các cứ điểm ngoại vi, khống chế hoàn toàn sân bay Khâm Đức và cắt đứt mọi chi viện của Mỹ. Trung đoàn 1, tiếp tục phát triển tiến lên tiêu diệt lần lược từng cứ điểm khu trung tâm.